Chú thích Gia Định thất thủ vịnh

  1. Theo Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam (tập 3, tr. 154).
  2. Ý kiến của Nguyễn Đình Đầu: "Xét khẩu khí và văn phong thường thấy nơi Phan Văn Trị, thì sự phỏng định bài Gia Định thất thủ vịnh là của ông cũng phần nào có lý (Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam (tập 3, tr. 134).
  3. Mặc dù làm việc cho thực dân Pháp, nhưng ở đây Trương Vĩnh Ký vẫn gọi họ là "giặc". Đọc các chú thích theo bài của ông đều thấy toát lên nỗi ngậm ngùi vì cảnh "nước mất, nhà tan
  4. Chép đúng theo Tổng tập địa dư địa chí Việt Nam (tập 3), tr. 150.
  5. Bến Trâu (tên chữ là Ngưu Chử) tức Bến Nghé (bờ sông Tôn Đức Thắng, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay). Xem giải thích tên gọi ở đề mục: Bến Nghé (sông).
  6. Năm 1835, sau khi đánh dẹp cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng sai phá thành cũ (thành Quy, có 8 cạnh), xây thành mới gọi là "Thành Phụng" (là thành tứ giác có 4 cạnh). Năm 1859, quân thực dân Pháp tấn công thành. Và sau khi thành bị đánh hạ, họ đã phá hủy hoàn toàn.
  7. Có bản chép là "âu ca", có nghĩa là hát để khen ngợi công đức.
  8. Hư Kinh: kinh hãi vì việc không đâu.
  9. Chợ Bến Thành xưa nằm ở góc bờ sông Sài Gòn với đường Kinh lấp (nay là đường Nguyễn Huệ). Xem đề mục: Chợ Bến Thành.
  10. Chợ Sỏi (vì nơi bến sông có nhiều cát sỏi nên gọi vậy) nằm sát vàm Bến Nghé, thuộc làng Tân Khai; nay là đầu đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi người Pháp quy hoạch lại thành phố Sài Gòn thì chợ không còn nữa.
  11. Chợ Lớn nói đây nay ở trung tâm quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh (chú thích của Nguyễn Đình Đầu).
  12. Gọi là Cầu kho vì xưa kia có cái cầu bắc ngang qua con rạch ăn vào kho cẩm Thảo (nơi chứa lúa từ lục tỉnh chở lên nộp cho vua). Theo Nguyễn Đình Đầu thì Cầu Kho ở bờ rạch Bến Nghé, nơi đầu đường Trần Đình Xu, quận 1 ngày nay.
  13. Cầu Thị Nghè là cây cầu bắc qua rạch Thị Nghè (đoạn gần hạ lưu đổ vào sông Sài Gòn), nối quận 1quận Bình Thạnh. Cầu xưa kia do bà Nguyễn Thị Khánh (con gái tướng Nguyễn Cửu Vân) làm ra để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc.
  14. Chợ Quán khi trước ở tại làng Tân Kiểng (kế làng Nhơn Giang và Bến Nghé) nên còn gọi là chợ Tân Kiểng. Đây là một trong số ít ngôi chợ có từ nửa cuối thế kỷ 18 ở trấn Phiên An. Gọi là Chợ Quán vì thuở trước chợ nhóm ở lối nhà thương Chợ Quán (nay là Trung tâm Bệnh Nhiệt Đới ở số 190 Bến Hàm Tử, phường 1, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), chung quanh chợ có nhiều quán xá. Theo Nguyễn Đình Đầu, thì Chợ Quán nằm ở khoảng đường Trần Bình Trọng ra bến Hàm Tử thuộc quận 5 ngày nay.
  15. Chùa Cẩm Đệm tức chùa Giác Lâm, hiện tọa lạc tại số 118 đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
  16. Chùa Cây Mai tọa lạc trên gò Mai, thuộc Gia Định xưa. Trong thời Pháp thuộc, ngôi chùa đã bị tháo gỡ, chỉ còn lại một gò Mai gần như phẳng lì, nằm ở góc đường Hồng Bàng-Nguyễn Thị Nhỏ thuộc phường 16, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.
  17. Tác giả không ưng cả "xóm đạo nhà thờ" lẫn "chùa thiêng miếu thánh", theo tinh thần của "Dương Từ-Hà Mậu" của Nguyễn Đình Chiểu chăng ? (chú thích của Nguyễn Đình Đầu).
  18. Gò Vấp tức "gò có nhiều cây vắp" (vắp nói trại thành vấp). Người Chăm gọi cây này là Krai và xem như là thần mộc, yểm hộ cho dân tộc họ. (Gia Định xưa, tr. 93). Đất Gò Vấp xưa thuộc tổng Bình Trị Hạ, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (1836); nay thuộc quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
  19. Mười tám thôn Vườn Trầu, (tên chữ là Thập bát phù viên), là một tên gọi dùng để chỉ địa danh của một vùng đất, mà nay bao gồm địa giới của huyện Hóc Môn, Quận 12 và một phần huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh. Xem mục từ: 18 thôn vườn trầu.
  20. Gò Đen - Rạch Kiến là hai địa danh; xưa thuộc huyện Phước Lộc (là một trong 4 huyện của phủ Tân An, thuộc tỉnh Gia Định), nay thuộc tỉnh Long An.
  21. Rạch Lá - Gò Công là hai địa danh; xưa thuộc huyện Tân Hòa, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Hai địa danh này gợi nhớ đến cuộc khởi nghĩa của Trương Định (bị quân Pháp đánh dẹp năm 1864).
  22. Lang Sa là phiên âm từ tên nước Pha Lang Sa hay Phờ Lăng Sơ (Pháp) mà ra.
  23. Thành Thang (trị vì: 1766 TCN - 1761 TCN), tên thật là Tử. Ông là người đã lật đổ vua Kiệt tàn bạo, và thành lập nhà Thương.
  24. Võ Vương tức Chu Vũ Vương (trị vì: 1027 TCN - 1025 TCN, theo Nguyễn Khắc Thuần [Các đời đế vương Trung Hoa, tr 20], có nguồn ghi khác), tên thật là Cơ Phát hay Tây Bá Phát. Ông là người đã lật đổ vua Trụ tàn bạo của nhà Thương, và thành lập nhà Chu.
  25. Ý nói đời Chu, Tề Hoàn Công làm bá chủ chư hầu, đánh bại Nhung, Địch, bảo vệ nhà Chu và cứu nước nhà (chú thích trong sách Sài Gòn - Gia Định qua thơ văn xưa (tr. 231).
  26. Quản Trọng (725 TCN - 645 TCN) là một chính trị gia, nhà quân sự thời Xuân Thu (685 TCN) của Trung Quốc. Ông đã giúp Tề Hoàn Công chỉnh đốn chính trị và quân bị, tập hợp chư hầu xướng nghĩa tôn Chu (thiên tử) làm nên nghiệp bá. Câu này và câu trên đại để nói là nếu không có Tề Hoàn Công làm bá chư hầu, Quản Trọng làm tướng thì Trung Nguyên (là nơi phát nguyên của nền văn minh Trung Hoa) đã phải róc tóc, mặc áo cài bên trái (tả nhậm) kiểu man di (Nhung, Địch,...) rồi! (theo chú thích của Nguyễn Đình Đầu).